Góp đá xây Trường Sa và những kỷ lục của lòng yêu nước
Câu chuyện cảm động về nắm đất do một sinh viên mang từ đất liền ra với Trường Sa đã mở đầu cho một cuộc vận động mạnh mẽ hướng đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc: Chương trình “Góp đá xây trường Sa” – do Trung ương Đoàn và báo Tuổi Trẻ phát động.
Từ hành trình nắm đất ra đảo xa
Trong hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2011, một sinh viên đã mang theo nắm đất từ đất liền ra Trường Sa với ý nghĩa để đảo bớt phần bé nhỏ trước biển cả. Câu chuyện đầy xúc động ấy đã gợi nhắc người ta nghĩ tới trách nhiệm hành động thật thiết thực và tích cực vì biển đảo quê hương, vì chủ quyền của dân tộc.
1000 tân sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cùng nhắn tin Góp đá xây Trường Sa (Ảnh: TTO) |
Chương trình Góp đá xây Trường Sa do báo Tuổi trẻ cũng bắt nguồn từ đó. Nhiều hoạt động đóng góp cho chương trình đã được thực hiện như: Đóng góp trực tiếp tại tòa soạn, tổ chức nhắn tin qua đầu số 1408, cuộc thi viết Cảm xúc Trường Sa, hợp tác nhiều chương trình xã hội… “Góp đá xây Trường Sa” đã thu hút được sự ủng hộ đáng kinh ngạc về cả sức người, sức của và tinh thần của người dân Việt, đặc biệt là làn sóng hướng về Trường Sa của thanh niên.
“Tôi nghĩ hiện tại Bộ đội và nhân dân ở Trường Sa đang rất cần những hành động và đóng góp vì Trường Sa và biển đảo kể cả chính sách hậu phương cho bộ đội đang công tác và xuất ngũ để tri ân những gì các anh sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh hải biển đảo Việt Nam chúng ta” – độc giả Trần Quang Lục bày tỏ ý kiến trên báo Tuổi trẻ.
Đây cũng là tâm sự của rất, rất nhiều người một lòng hướng về vùng hải đảo xa xôi của tổ quốc, hết lòng yêu thương, khâm phục những người lính biển.
Phát biểu về chương trình, Phó đô đốc (chính ủy Quân chủng Hải quân) Trần Thanh Huyền nói: "Mỗi người đều có thể góp phần tham gia xây dựng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” là một hành động tạo nhịp cầu để người dân ở đất liền đến với biển đảo được gần hơn. Đó sẽ là những công trình mang dấu ấn tuổi trẻ cho thế hệ tương lai".
Những kỷ lục vì Trường Sa thân yêu
Với những ý nghĩa sâu sắc như vậy, “Góp đá xây Trường Sa” đã nhanh chóng “phủ sóng” dày đặc từ Bắc vào Nam, từ miền núi tới đồng bằng, tạo được hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội.
Từ học sinh, sinh viên đến doanh nhân, nghệ sỹ, từ các em tiểu học tới các cụ già đều nhiệt tình tham gia cuộc vận động. Nhiều nơi còn ra sức lập kỉ lục nhắn tin “Góp đá xây Trường Sa”, thi đua hoạt động ủng hộ chương trình.
Những viên đá đầu tiên của công trình “Góp đá xây Trường Sa” được đưa xuống tàu Trường Sa 21 đến với đảo Đá Tây (Ảnh: TTO) |
Ngày 23-9 là ngày của kỷ lục về tin nhắn Góp đá xây Trường Sa. Tính đến 17g đã có hơn 20.000 tin nhắn gửi về với số tiền đóng góp hơn 400 triệu đồng. Anh Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) là người dẫn đầu danh sách những người nhắn tin nhiều nhất tới đầu số 1408 tính đến chiều 23-9. Nhất định không cho nêu đầy đủ họ tên, địa chỉ, nơi làm việc, anh nói: “Mình chỉ đóng góp một chút xíu, chẳng đáng là bao so với những khó khăn gian khổ mà các chiến sĩ Trường Sa đang phải đối mặt. Hơn nữa, ngoài đảo xa còn thiếu thốn nhiều quá. Nhắn tin để góp đá xây Trường Sa là một việc nên làm. Mình nghĩ đơn giản vậy nên nhắn tin mà trong lòng cảm thấy rất nhẹ nhàng”.
Có thể nói, tâm sự chân thành ấy cũng là tâm sự của rất nhiều người Việt Nam yêu nước, nhiệt tình gửi tình yêu cho trường Sa. Đó là mình chứng cụ thể về tình thần yêu nước của thế hệ người Việt Nam hôm nay.
Ngày 19-9, những viên đá đầu tiên của công trình “Góp đá xây Trường Sa” được đưa xuống tàu Trường Sa 21 đến với đảo Đá Tây.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thu (quê Bắc Ninh), đại diện các chiến sĩ công binh trực tiếp thi công tại đảo Đá Tây, quyết tâm nói: “Dù công việc có khó khăn, dù tết năm tới phải xa nhà nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ hải quân, với tình cảm thiêng liêng của hàng triệu người dành cho Trường Sa, chúng tôi quyết tâm phấn đấu lao động với năng suất trung bình 120-130%”.
Quyết tâm ấy, và sự đồng lòng, dốc sức của nhân dân cả nước sẽ tạo thành nguồn lực mạnh mẽ hướng tới Trường Sa thân yêu.
Minh Tâm
Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khởi động. Giải thưởng sẽ được trao cho các cá nhân, tập thể có công trình, chương trình, dự án được tổ chức thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 9-2011, có giá trị về an sinh xã hội, đối tượng thụ hưởng lợi ích rộng và thời gian thụ hưởng lâu dài, trong đó ưu tiên những cá nhân có độ tuổi không quá 40, có thành tích đặc biệt xuất sắc, có ý chí nghị lực phi thường đóng góp nhiều cho cộng đồng và những dự án không sử dụng nguồn lực nhà nước. |
(Theo Vietnamnet)
- Nghệ sĩ Việt hào hứng với nước ngọt cho Trường Sa (24/05/2013)
- Nước biển mặn nghĩa tình đất Việt (24/05/2013)
- Truyền hình thực tế “ám ảnh” phụ nữ Mỹ (28/03/2012)
- Quốc hội sẽ có kênh truyền hình riêng (28/03/2012)
- Truyền hình thực tế nở rộ, dùng sao hút khán giả (28/03/2012)